Bụi không khí – Kích thước càng nhỏ, tác hại càng to

Thống kê thế giới cho thấy, hàng năm ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu là 5 triệu người chết mỗi năm, riêng ngành công nghiệp than đá đã gây ra cái chết trên 1 triệu người.

Vậy bụi không khí được phân loại thế nào? Bụi nano là gì? Tác hại của bụi với con người ra sao?

Định danh

Bụi là những hạt vật chất trong không khí (atmospheric particulate matter, particulate matter, PM). Theo kích thước bụi được chia ra thành các loại khác nhau: PM 10 (từ 2.5 tới 10 micro mét), PM 2.5 (dưới 2.5 micro mét), PM 1.0 (dưới 1 micro mét) và PM 0.1 (nhỏ hơn 0.1 micro mét) còn được gọi là bụi nanomet, bụi NANO.

Bụi không khí: Kích cỡ càng nhỏ, tác hại càng to - 2

Để dễ so sánh kích thước, các nhà môi trường đã có hình mô phỏng sau

Bụi không khí: Kích cỡ càng nhỏ, tác hại càng to - 3

Nguồn tạo ra bụi không khí

Một phần các hạt bụi mịn kích thước nhỏ này có thể sinh ra từ tự nhiên, nhưng đa phần là do hoạt động, sinh hoạt của con người. Trong tự nhiên, bụi không khí được tạo ra từ khói núi lửa, nạn cháy rừng, các cơn bão cát bụi, lốc xoáy, sản phẩm hay thải sinh vật như phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng… Con người gây ô nhiễm bụi trong không khí qua việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, khói máy công nghiệp, phá rừng, hút thuốc…..

Đường xâm nhập và tác hại của bụi

Nói chung, tất cả loại bụi lớn nhỏ đều có thể xâm nhập vào đường hô hấp khi con người hít thở vào. Nhưng mức độ xâm nhập khác nhau theo kích thước hạt bụi.

Mức độ xâm nhập của bụi vào cơ thể

Những hạt bụi lớn, đường kính trên 10 micromet, có thể dược chất nhầy, lông, tiêm mao của đường hô hấp trên bắt giữ và loại trừ ra qua hắt hơi, ho, xỉ mũi, khạc đàm nhầy….

Những hạt bụi trung bình phân tán trong môi trường làm việc, như mỏ khai thác than đá, khoáng sản, cát đá, xi măng, thạch miên amian, sợi bông… khi công nhân hít phải sẽ tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang và đào thải ra khó, chậm, nên tích lũy lại gây các bệnh hô hấp gọi là bệnh bụi phổi (pneumoconiosis). Tùy theo loại bụi xâm nhập bệnh nhân sẽ bị các bệnh bụi phổi tương ứng: bụi phổi silic (silicosis), bụi phổi than đá (anthracosis, black lung disease), amiang (abetosis), bụi nhôm (aluminosis), bụi sợi vải (byssinosis, brown lung disease)…

Thống kê thế giới cho thấy, hàng năm ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu là 5 triệu người chết mỗi năm, riêng ngành công nghiệp than đá đã gây ra cái chết trên 1 triệu người.

Đặc biệt, bụi nano vì kích thước siêu nhỏ nên có thể “chui sâu” vào cơ thể người, vượt qua các hàng rào phòng vệ tự nhiên của cơ thể, xâm nhập vào nhân tế bào. Kết quả là ngoài gây các bệnh hô hấp, tim mạch, máu,, bụi nano còn tác động, hủy hoại DNA và là mầm mống gây lão hóa, ung thư.

Khi vào hệ mạch máu người, bụi nano sẽ hình thành nên những mảng bám tích tụ trong thành mạch, gây nên viêm mạch máu. Đồng thời, nó sẽ làm giảm tính đàn hồi của mạch máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và những bệnh lý tim mạch chết người.

Ở phụ nữ có thai, bụi nano có thể xâm nhập sâu vào cơ thể băng qua nhau và gây những tác động xấu cho quá trình phát triển thai nhi.

Tại một số nơi, bụi nano còn có các chất phóng xạ, như uranium và thorium, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp.
Nhiều nghiên cứu đa trung tâm tiến hành từ 2006-2012 cho thấy, bụi nano có thể tác động đến DNA và gây ra những biến đổi, đột biến gen di truyền có thể dẫn đến ung thư. Một nghiên cứu tiến hành hồi năm 2013 dựa trên gần 320 ngàn người tại các quốc gia ở Châu Âu cho thấy có mối tương quan thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỷ lệ mắc bệnh ung thư: mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 microgram/ m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 microgam/ m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.​ Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC, xếp các hạt bụi không khí vào nhóm 1 của các tác nhân gây ung thư cho con người.

Ô nhiễm bụi không khí ở Việt Nam

Tại hội thảo “Chất lượng không khí ở Hà Nội-Tình trạng và các biện pháp khoa học công nghệ” do TT Văn hóa Pháp và ĐH Khoa học Công nghệ tổ chức, bà Ngụy Thị Khanh, GĐ GreenID, cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình của Hà Nội năm 2016 là 121, và lượng bụi PM2.5 trung bình lên tới 50,5µg/m3, gấp đôi quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần khuyến nghị WHO (10µg/m3). Hà Nội chỉ đang đứng sau New Delhi, Ấn Độ (124µg/m3), một nơi ô nhiễm không khí nặng trên thế giới.

Theo kết quả của Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam, năm 2016, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đến 20% số ngày trong năm lượng PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép (50 microgram/m3 theo tiêu chuẩn Việt Nam và 25 microgram/m3 theo tiêu chuẩn WHO).

Đặc biệt, nước ta không chỉ ô nhiễm bụi PM10, PM2.5 mà từ vài năm trở lại đây đã có thấy sự xuất hiện của PM1.0 và bụi nano PM 0.1.

Hạn chế phát thải và ngăn ngừa tác hại của bụi không khí

Chất lượng không khí có thể cải thiện bằng hai cách

* Giảm phát thải bụi như: (1) Kiểm soát bụi cho đường xá, xây dựng và bãi chôn lấp, (2) Che chắn sân vườn, bãi đất, công trình, (3) Giảm phát thải bụi từ bếp lò và lò sưởi, (4) Kiểm soát chất thải xăng dầu diesel từ các phương tiện cơ giới, (5) Kiểm soát các cơ sở nông, công nghiệp…

* Ngăn ngừa tiếp xúc với bụi mịn bằng cách: (1) Hạn chế làm việc, đi lại ở ngoài trời những ngày không khí bụi, kém chất lượng, (2) Giảm sử dụng bếp lò và lò sưởi than đá, củi, (3) Không sử dụng máy móc, thiết bị sản sinh nhiều bụi bặm, (4) Chạy xe chậm trên những con đường cấp phối, chưa được thảm nhựa, (5) Tuân thủ các quy tắc vận hành, sử dụng máy móc phương tiện có khả năng gây bụi môi trường, (7) Mang khẩu trang thích hợp.

Thay lời kết

Trong cuộc sống hiện đại, máy móc công nghiệp, giao thông phát triển, việc loại bỏ hẳn bụi không khí ở ngoài trời là điều không thể thực hiện, đặc biệt đối với những hạt bụi mịn, bụi nano. Riêng với không khí trong nhà, một số hãng sản xuất đã cung cấp một số thiết bị lọc không khí, máy điều hòa có khả năng lọc được cả bụi PM10, PM2.5.

Các khẩu trang thông thường chỉ có tác dụng ngăn chặn những hạt bụi lớn, hạt chất lỏng, nước bọt…Hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã giới thiệu ra thị trường các loại khẩu trang với những lớp lọc chuyên dụng có khả năng lọc được bụi PM2.5 và cả PM0.3. Ở Hoa Kỳ, các mẫu mặt nạ sau khi được Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn lao động, Bộ Lao động, kiểm định, cấp phép lưu hành sẽ được đóng dấu N90, N95 hoặc N99, có nghĩa là lọc được 90, 95 hoặc 99% các hạt bụi PM0.3. Một số hãng sản xuất khẩu trang như Cambridgemask, Totobobo, Respro còn tuyên bố sản phẩm của họ có thể lọc được cả bụi nano PM0.1

Tóm lại, để an toàn sức khỏe trong môi trường nhiễm bụi hiện nay, cần triệt để hạn chế nguồn phát thải bụi không khí như áp dụng chuẩn khí thải Euro, hạn chế đốt rừng, hạn chế nhiên liệu hóa thạch….và tránh xa nguồn không khí nhiều bụi hoặc mang khẩu trang thích hợp khi làm việc ở các nơi này.